Bạn đang đọc truyện online hay trên di động tại wapsitechuotnhat84.xtgem.com! Chúc các bạn online vui vẻ
Ông về, say bét nhè. Cái giọng cà khựa của ông lại trỗi dậy, chẳng hiểu từ đâu, do đâu nhưng ngẫm ra cũng đeo bám ông hơn nửa quãng đời.
Đôi mắt đỏ lừ của ông quắc lên, cái mồm nồng nặc mùi men ngoác ra rộng hoác và bắt đầu buông những câu chua chát. Mãi cho đến khi con chó vàng quen với chất giọng ồm ồm, hùng hổ, rón rén bò quanh chân ông thì cũng là lúc ông thấy đầu óc choáng váng, nằm gục xuống sàn nhà và ngáy o o.
Lúc này, bà mới trở dậy, vội vàng lau những giọt nước mắt còn kèm nhèm nơi khóe, giặt chiếc khăn tay nhẹ nhàng lau mặt mũi rồi nâng ông lên giường. Bà ngồi thừ nơi cuối chõng, nhìn vô định vào khoảng không nhờ nhờ sáng, mím chặt môi để tiếng nấc khỏi bật ra nghẹn ngào. Chẳng biết tự bao giờ, nụ cười có lúm đồng tiền duyên duyên của bà dần lặn vào đôi hàm răng sáng bóng làm hai gò má cứ hóp lại, mom móm mà thương…
…Ngày ấy, ông là một trong những tay đào hoa của làng, chẳng những ăn nói hài hước, có duyên, yêu thơ văn, mà còn hát cải lương nghe mùi mẫn. Đàn bà con gái cứ thế sáp vào chứ chẳng cần đợi ông liếc mắt, đón đưa. Họ vẫn rỉ tai nhau rằng, chỉ cần được ông thương thì cứ thế mà bỏ tất cả chạy theo ông dù đầu trời, cuối biển. Hai mươi tuổi, ông thương cô Xoan bên xóm Cụt - cái xóm chỉ vỏn vẹn mấy mái nhà cỏn con, xơ xác, quanh năm nghèo đói. Dạo đó, cô Xoan đẹp ngọc ngà, lại nết na thùy mị, đảm đang nên trai làng vẫn thường ngẩn ngơ ra vào mấy bận. Và dĩ nhiên, hai người thương nhau cũng chẳng lấy gì làm lạ, thiên hạ ghen tị lúc đầu rồi dần chuyển sang thương mến, chúc mừng họ hạnh phúc. Ấy vậy mà, tất cả lại vụt tắt khi cha ông nghe nói đến mối lương duyên chẳng “môn đăng hộ đối” này. Ông cụ địa chủ có phần gia trưởng ấy không chỉ cấm tiệt mà còn đòi tự vẫn nếu con trai gian díu với cái đứa “khố rách áo ôm” xóm Cụt thêm bất kỳ một ngày nào nữa. Bên tình bên hiếu, ông đóng cửa nằm trong nhà không ăn uống cho đến khi người gầy rộc. Cô Xoan thương người yêu nên đành ngậm ngùi gật đầu về làm dâu nhà khác, những mong ông ghét bỏ mà trở lại cái vẻ lãng tử ngày xưa.
Người thương đi lấy chồng không để lại lời nhắn nhủ nào, ông chuyển từ đau khổ sang bất cần, chán nản rồi đâm ra cau có. Mái tóc dài kiểu lãng tử của ông chuyển sang vẻ bờm xờm, nhếch nhác. Cái miệng có duyên thường huyên thuyên ngâm thơ, vọng cổ, giờ toàn buông những lời cộc cằn. Ở đời, người thương cũng có mà kẻ ghét cũng nhiều, thương thì chặc lưỡi xót xa rằng tiếc cho thằng trai trẻ tài hoa mà lận đận, ghét thì bảo đào hoa cho lắm vào rồi khổ cả cha mẹ, anh em. Ông lặng lẽ bước qua mà vẫn thấy cái gì đó thăn thắt trong lòng.
Chần chừ mãi rồi ông cũng gật đầu rước bà về làm vợ. Người đàn bà mà theo cha ông là chẳng biết chê chỗ nào. Ông cụ liệt kê hằng hà những điểm mấu chốt khiến đôi lứa xứng đôi, nào là con nhà gia giáo, có của ăn của để, đẹp người, đẹp nết, đảm đang, lễ độ, cùng chỗ thân quen gần gũi… Ông nghe, ậm ừ cho qua chuyện rồi thở dài ngao ngán nhìn bóng dáng cô vợ thấp thoáng ngoài vườn rau. Trong thâm tâm ông, hình bóng Xoan lúc nào cũng chập chờn với mái tóc dài, nụ cười duyên dáng và ánh mắt biết nói, nhìn thấu tận tâm can. Những đêm vắt tay lên trán, ông chỉ ao ước được đến thăm Xoan một lần và nói cho hết những tâm tư - dẫu cũng chẳng để làm gì. Với ông, chỉ cần biết Xoan có hạnh phúc không là đã đủ lắm rồi.
Ấy vậy mà, chẳng hiểu vì cô Xoan lấy chồng làng xa hay vì những điều không thể giải thích được, ông đã định mấy lần ghé thăm nhưng đều lỡ cả. Có lẽ, đường xa ông chẳng ngại gì, mà cứ sợ Xoan bị chồng hiểu nhầm, sợ nhìn thấy Xoan chẳng hạnh phúc hoặc cũng có thể sợ nhìn thấy Xoan quá hạnh phúc bên chồng con. Sợ mãi, thành ra ông toàn đem dáng Xoan vào những giấc mơ, vào những đêm chập chờn, vào những tiếng gọi mê sảng. Những lúc ấy, bà muốn được giả vờ nằm im như đã ngủ thật say để bớt nóng ran nơi đáy lòng, để nước mắt bớt rơi mặn chát, nhưng rồi lại lập cập trở dậy, nhẹ nhàng lau mồ hôi đang túa ra trên trán ông.
Vỏn vẹn, ba năm sau bà mới được hưởng niềm vui làm mẹ khi sinh cô con gái đầu lòng. Ông nhìn đứa con gái giống mẹ như đúc mà tự nhiên thấy chạnh lòng, nao nao. Từ dạo đó, cái khao khát được có thằng con trai giống mình để nối dõi tông đường cứ ấp ủ trong lòng ông, như thể chiều chiều đứa trẻ ngấp ngó ngoài cổng đợi mẹ đi chợ về. Ấy vậy mà, ông trời cứ trêu ngươi khi đến đứa thứ ba, thứ tư cũng toàn là gái. Ông nhìn những đứa trẻ tóc bím, mắt đen tròn dắt nhau chập chững trên sân mà lòng rối tung, ngẩn ngơ như tơ vò. Ông ghét cái cảm giác phải nhìn vào mặt vợ, nhìn vào đôi mắt ươn ướt trĩu nặng ấy. Ông cũng ghét cảm giác phải nằm cạnh vợ những đêm mát trời, phải nghe tiếng ơi à hời ru và nôi đưa kẽo kẹt. Lắm lần ông tự hỏi, chẳng lẽ đàn bà, con gái đối với ông lâu nay đã thành mối nợ đời…
Dần dà, từ những chán chường ấy ông đâm ra đổ đốn. Ông về nhà muộn hơn bởi thường níu kéo đám bạn ngồi lại làm thêm vài chén, khi đến cổng thì cũng là lúc gà gáy canh đầu. Chân nọ đá chân kia, ông loạng choạng vào nhà và tiện tay choảng thêm vài món đồ sành sứ xuống đất. Đấy là âm thanh quen thuộc báo hiệu ông đã về, báo hiệu thêm rằng sau đó là hàng loạt những câu càm ràm, chửi đổng, chửi đàn bà, con gái, chửi cái nhà toàn vịt mái chẳng có ai rót nước, dâng hương cúng lạy tổ tiên. Cứ thế, ông ra rả cho tới khi mệt lử, nằm im; và cũng phải đợi đến lúc đó, bà mới dám trở mình, lo cho ông giải cơn say rượu.
Ông đi mất hút mỗi ngày, bà ở nhà cặm cụi làm vườn, nuôi con, vun vén gia đình. Người đàn bà nết na như thế, người trong thiên hạ chẳng mấy ai bằng. Vậy mà, dân làng lại thấy xót xa cho ông thay vì thương bà, cứ một mực cho rằng vì bà chẳng biết đẻ con trai nên mới làm ông ra nông nỗi ấy, rằng một người đào hoa, lãng tử như ông giờ sống lang bạt cũng bởi tại vợ con. Người ta chậc lưỡi thương cho một gia đình bất hạnh, ngó nghiêng thương hại bà rồi lại tiếc rẻ cho ông. Mỗi bận như thế, ông lại về nhà muộn hơn, to tiếng hơn, chén bát, ly tách vỡ nhiều hơn và cái khao khát đi tìm Xoan càng cháy bỏng. Tự nhiên, ông lại muốn có một thằng con trai với Xoan, để mỗi bận thấy nó lon ton trong sân là biết Xoan vẫn ở đâu đó, thật gần.
Ông đi tìm Xoan. Non hai mươi năm kể từ ngày Xoan lấy chồng, ông mới dám thực hiện lời hứa ấy. Đứng đợi Xoan ở triền đê mà tự nhiên ông thấy mình trẻ lại, cứ như cái thuở mười tám đôi mươi. Tự nhiên, ông thấy xao xuyến khi sắp được nhìn vào mắt Xoan, được cầm tay Xoan, được ân cần như hồi lén lút hẹn hò.
Vậy mà Xoan đến – khác hẳn với những gì viển vông ông vẽ ra. Ông không ngờ Xoan lại đang tâm dập tắt cả cái mơ ước bé nhỏ nhất là để ông được ngồi bên, được nhìn vào đôi mắt từng một thời làm ông khao khát. Chồng Xoan mỉm cười chào ông như thể đã quen thân từ lâu lắm, tự nhiên ông thấy mình ngớ ngẩn quá chừng. Câu chuyện ban đầu ngượng ngùng, rời rạc cho tới khi ông hỏi về những đứa trẻ.
Thì ra, bấy lâu nay, người mà ông thương đã phải chịu cảnh “cây khô trên non” khi chẳng thể sinh hạ được một mụn con. Dù chạy chữa khắp nơi nhưng hai vợ chồng vẫn không thể tìm được tia hy vọng nào, cuối cùng họ cũng quyết định nuôi con nuôi để ấm áp tuổi già. Chồng Xoan bảo, làm đàn ông, thương vợ là thương ở cái nết, cái đức khi sống bên mình, chứ đừng nhìn vào chuyện con cái mà hắt hủi nhau, cái đó âu cũng là duyên số ở trời.
Tự nhiên, ông thấy tội lỗi của mình chất chồng khi chỉ vì chuyện cô Xoan ngày xưa, vì chuyện con trai, con gái mà hắt hủi, chửi mắng vợ con rồi sống hững hờ cho qua ngày đoạn tháng. Tự nhiên, thứ tình yêu dành cho Xoan chợt tan như bọt sóng nơi cuối sông. Đâu đó trong tâm khảm, ông thấy thương, thấy quý chứ chẳng còn hừng hực mong đợi một cái nắm tay, một lần ôm ấp… Nhìn vợ chồng Xoan dìu nhau trở về mà ông thấy nghèn nghẹn nơi đáy lòng – có lẽ vợ ông cũng từng hơn một lần khát khao như thế…
Ông về nhà khi ếch nhái đã rỉ rả những tiếng thở dài vào đêm, vợ ông vừa phe phẩy chiếc quạt nan vừa ơi hời những câu hát ru ngọt lịm. Ông đứng yên ngoài hiên nhà, thấy một đời như ông nhiều khi hạnh phúc ngập tràn mà cái với tay lại quá đỗi hững hờ. Từ thuở lấy nhau tới giờ ông mới nhận ra tiếng ru con của vợ nghe mát tai đến lạ, và ở người đàn bà ngoại tứ tuần ấy vẫn đượm vẻ mặn mà, sắt son. Tự nhiên, ông thấy thương những đứa trẻ chiều chiều lon ton trong sân, vẫn thường ôm lấy ông mỗi bận ông đang tâm đánh vợ. Tự nhiên ông thấy, thì ra hạnh phúc cũng chỉ đơn giản vậy thôi, chỉ là cảm nhận và trân trọng những thứ mình đang có chứ chẳng phải chạy theo những giấc mơ xa vời.
Ông rón rén đến bên giường, choàng tay qua cổ vợ, hôn nhẹ lên mái tóc đã lấm tấm bạc mà nhẹ nhàng rằng: “Mình ơi! Tui xin lỗi!”.
Download các game online mobile với nhiều độ phân giải màn hình khác nhau được cập nhật hàng ngày, các tin nhắn xếp hình lãng mạng